Nhịp cầu doanh nghiệp

"Lướt sóng" căn hộ không còn dễ

Nếu trước đây, nhiều nhà đầu tư (NĐT) mua căn hộ (hình thành trong tương lai) rồi khoảng 6 tháng đến 1 năm có thể bán lại cho người khác để kiếm lời thì nay không còn dễ dàng.

Chia sẻ tại buổi trực tuyến mới đây, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, tính thanh khoản của một dự án chung cư phụ thuộc vào chính dự án đó. Nếu dự án đang trong giai đoạn đầu phát triển thì việc mua đi bán lại sẽ khó. Ngược lại, dự án nào đã hình thành nên các tiện ích, cảnh quan đầy đủ thì tính thanh khoản sẽ tốt hơn. Nghĩa là tính thanh khoản của dự án phụ thuộc vào tiến độ dự án, thời gian đầu tư lâu dài của dự án đó. Còn việc mua căn hộ sau 6-8 tháng rồi bán lại ở thời điểm này rất khó.

Như vậy, nói theo cách của vị chuyên gia này, việc "lướt sóng" căn hộ trong giai đoạn hiện nay chỉ có lợi nhuận ổn đối với các dự án đã sầm uất hoặc sắp bàn giao nhà.

Cùng qua điểm, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư BĐS Việt Nam (Vinaland) cho biết, hầu hết các dự án chung cư hiện nay đang trong quá trình hình thành. Nếu đầu tư vào phân khúc này thì khả năng cho thuê sẽ ổn hơn là mua đi bán lại trong khoảng thời gian ngắn.

Lướt sóng căn hộ không còn dễ - Ảnh 1.

Hết thời lướt sóng căn hộ. Ảnh Hạ Vy

"Nếu đầu tư căn hộ thì phương án cho thuê một thời gian rồi bán lại, trung bình mất khoảng 3-5 năm thì tốt hơn là việc mua xong chờ lên giá rồi bán. Hiện nay nếu mua chung cư rồi bán lại ngay kì vọng tăng giá là không phù hợp. Mà đầu tư cho thuê sẽ có dòng tiền thu nhập khá và an toàn hơn", ông Hoàng nhấn mạnh.

Chia sẻ trước đó, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cũng đánh giá, hiện nay, hoạt động "lướt sóng" căn hộ không còn đại trà mà chỉ tập trung vào một số dự án ở phân khúc trung bình, giá tầm 2-2,5 tỉ đồng/căn. Ngoài ra, thị trường BĐS từ đầu năm đến nay chững lại nên nếu không "lướt" nhanh có thể ôm nhà 3-6 tháng, thậm chí cả năm. Vì vậy, những người mua đi bán lại căn hộ phải tính kỹ, nếu không dễ chôn vốn, không hiệu quả.

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường phía Bắc vắng bóng các nhà đầu tư lướt sóng do việc bán lại khó khăn và tỷ suất sinh lợi thấp. Bên cạnh đó, số lượng người mua để cho thuê lại cũng rất ít do thị trường cho thuê căn hộ không thực sự tốt.

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang chững lại rõ nét do quá nhiều khó khăn ập đến cùng lúc. Việc các nhà đầu tư e ngại trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp là điều tất yếu.

Mặt khác, nhiều người cũng có xu hướng giữ tiền mặt để dự phòng khi bất trắc. Trong xu hướng này, việc đầu cơ lướt sóng căn hộ chung cư không còn là phương án khả thi. Rõ ràng, BĐS giờ đây đang hướng đến các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, đáp ứng nhu cầu bền vững.

HẠ VY
Trí thức trẻ

Ý kiến của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không hiển thị.
Thông tin bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục