Nhịp cầu doanh nghiệp

Lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản TP.HCM

Trong khi nguồn cung nhà ở bình dân giảm tới 98%, thì tại TP.HCM đang thừa nhà ở cao cấp...

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) vừa ra báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM 10 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo, từ tháng 3 - 7/2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Trên thị trường bất động sản, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); bất động sản du lịch, condotel; môi giới bất động sản và khoảng 35 ngành nghề có liên quan bất động sản.

Từ tháng 8/2020 đến nay, trên cơ sở cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản đã từng bước phục hồi trở lại, đi đôi với sự tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản công nghiệp.  

Tại thị trường TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2020, đối với các dự án nhà ở quy mô nhỏ có 100% đất ở hợp pháp, Sở Xây dựng TP đã giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án 11 dự án, tăng 10 dự án, gấp 11 lần cùng kỳ 2019; công nhận chủ đầu tư dự án 9 dự án, tăng 9 dự án, gấp 4,5 lần; chấp thuận đầu tư dự án 24 dự án, tăng 12 dự án, gấp đôi, so với cùng kỳ 2019.

Nhưng Hiệp hội cho biết, theo Báo cáo tổng hợp ngày 26/10 của Sở Kế hoạch Đầu tư thì không thấy có dự án nhà ở nào được nhận “Quyết định chủ trương đầu tư” đối với các dự án sử dụng quỹ đất hỗn hợp và thường là dự án lớn, có dấu hiệu “ách tắc” tại khâu lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”.  

Theo dữ liệu của Sở Xây dựng, trong 9 tháng đầu năm, chỉ có 20 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn giảm đến 37,5% so với 9 tháng đầu năm 2019, với 6.722 căn, giảm đến 65,8% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Trong đó, chỉ có 163 căn hộ bình dân, chiếm tỷ lệ 2,5% rất thấp trong tổng số nhà ở dự án, giảm đến 98,5% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Chỉ có 1.863 căn hộ trung cấp, chiếm tỷ lệ 25% trong tổng số nhà ở dự án, giảm đến 56,4% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Trong khi đó, có đến 4.876 căn hộ cao cấp, chiếm tỷ lệ 72,5% cao nhất trong tổng số nhà ở thương mại, tăng 24,5% so với 9 tháng đầu năm 2019.

HOREA nhận định, cơ cấu sản phẩm nhà ở cho thấy rõ nét tình trạng lệch pha cung - cầu trên thị trường, phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân, nhà ở xã hội và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp như Bộ Xây dựng và Hiệp hội đã cảnh báo.

Theo HOREA, nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường tiếp tục bị sụt giảm trong 9 tháng đầu năm, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi kể từ tháng 8 đến nay. Theo đó, cuối tháng 10/2020, Sở Xây dựng công bố thêm 10 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai, với 9.147 căn, gồm 8.317 căn hộ nhà chung cư và 830 căn nhà thấp tầng, bổ sung thêm nguồn cung nhà ở trong quý 4/2020.

Về giá bất động sản, Hiệp hội đánh giá, dù bị tác động bởi đại dịch, nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” cao. Giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp, hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ và thị trường bất động sản cho thuê.

Giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản. Trong lúc đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm sụt giảm khả năng tạo lập nhà ở.

HUYỀN TRÂM
Cuộc sống an toàn

Bài liên quan

Ý kiến của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không hiển thị.
Thông tin bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục