Bất động sản 2020 sẽ ra sao?
Giá nhà vượt xa thu nhập
Báo cáo “Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế năm 2019 – 2020” của Vietnamreport cho hay, ngành bất động sản được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế kéo theo thu nhập người dân được cải thiện đã dẫn đến “sự bùng nổ” về nhu cầu nhà ở trong những năm qua.
Theo Vietnamreport, chỉ trong vòng 10 năm qua, thị trường đã xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp thuộc nhóm hoạt động kinh doanh bất động sản có quy mô vốn lên đến hàng tyỉ USD như Vingroup, novaland, Sungroup và FLC. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành bất động sản trong dài hạn.
Mặc dù có những bước tiến đáng ghi nhận, song thị trường bất động sản Việt thời gian qua cũng đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Theo đó, mặt bằng giá bất động sản nói chung đã tăng vọt lên 50%, có nơi cả 100% và thậm chí 200% chỉ trong vòng vài năm trong khi mức tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng gần 7%/năm, mức tăng thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ ở mức 7-8%/năm.
“Rõ ràng mức tăng giá bất động sản đã vượt quá xa tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Do đó, xét về triển vọng ngành, bất động sản vẫn được giới phân tích đánh giá khá thận trọng trong giai đoạn này vì những rủi ro mang tính ngắn hạn”, báo cáo nhận định.
Cũng theo đơn vị này, các loại hình bất động sản thương mại có thể bị ảnh hưởng do các vấn đề về pháp lý, xây dựng dự án, quy hoạch vẫn còn ách tắc, mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tăng và xu hướng siết chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Tồn kho bất động sản tăng cao
Báo cáo của Vietnamreport cho biết, tại điểm cuối quý 1-2019, rủi ro bắt đầu tăng. Trên thị trường chứng khoán đã có gần 100 doanh nghiệp kinh doanh với giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỉ đồng.
Thông thường, giá trị hàng tồn kho lớn rất hay xuất hiện ở các doanh nghiệp ngành bất động sản do đặc thù riêng về ngành nghề này là doanh thu phụ thuộc nhiều vào chu kỳ bán hàng kéo dài đến vài năm. Trong số 40 doanh nghiệp đang có tồn kho lớn nhất thị trường thì có tới 20 doanh nghiệp bất động sản bị liệt kê vào nhóm có tỷ lệ giá trị hàng tồn kho lên đến 2.000 tỉ đồng.
“Tồn kho tăng cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng biến động gây nên những diễn biến đáng lo ngại cho sự phát triển thị trường bất động sản trong ngắn hạn. Tồn kho cao minh chứng rằng giá cả thị trường đã bị “bơm” lên vượt quá sức mua thực của nền kinh tế vào thời điểm hiện tại. Tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến một cuộc “tháo chạy” trong tương lai, trước khi thị trường ổn định và tăng trưởng trở lại trong dài hạn”, báo cáo này đánh giá.
Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách từ bất động sản giảm hơn 60% trong bảy tháng đầu năm 2019. Nguyên nhân gây ra từ việc thị bất động sản tăng trưởng chậm lại, sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà đã diễn ra tại nhiều nơi trong thời gian qua. Điều đáng chú ý là mặc dù giao dịch bất động sản đang giảm mạnh nhưng mặt giá lại không giảm.
Thị trường thiết lập mặt bằng giá mới
Dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới, Vietnamreport cho rằng, một trong những cơ hội giúp bất động sản Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong thập kỷ tới chính là cấu dân số trẻ, lao động trẻ với xu hướng sống hiện đại.
Vài năm gần đây, tại các thành phố lớn như TP.HCM, quỹ đất không còn nhiều buộc các doanh nghiệp tìm đến các khu vực lân cận như Bình Dương, Phan Thiết, Bà Rịa -Vũng Tàu, tạo cơ hội phát triển tại các vùng đất mới với nhiều tiềm năng và nhiều lợi thế phát triển.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam với nhiều dự án đa dạng sẽ tạo cơ hội cho thị trường phát triển ở một tầm cao mới.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nới lỏng các quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tạo cơ hội cho thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Cũng theo Vietnamreport, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên, tạo điều kiện tốt để thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có những “rung lắc” nhất định nhằm thiết lập các mặt bằng giá mới phù hợp hơn. Các biến động thị trường là cách để thanh lọc mạng lưới doanh nghiệp, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém nhằm thúc đẩy thị trường phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Dòng vốn tài chính dịch chuyển sang các thị trường mới nổi như Việt Nam tạo điều kiện tăng trưởng bùng nổ của ngành du lịch. Trên nền tảng đó, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh với các loại hình nở rộ như bất động sản công nghiệp, bất động sản cho thuê, bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng...
Dựa trên bối cảnh kinh tế Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán, việc huy động vốn từ các nguồn khác nhau nhằm phát triển hệ thống doanh nghiệp khá lạc quan.
Do đó, dù có trầm lắng trong những tháng qua, nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa “đóng băng” như một số ý kiến lo ngại. Nhìn chung, nhà ở luôn là một trong những nhu cầu thiết yếu nên trong thời điểm thị trường thuận lợi nhu cầu đầu tư bùng nổ hơn.
“Sự dư thừa về nguồn cung bất động sản được dự báo có thể xảy ra trong vòng vài năm tới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến rất phức tạp”, đơn vị này cho biết.
Theo đơn vị này, thị trường bất động sản tương lai cũng sẽ gặp phải những thách thức, đến từ sự thay đổi liên tục của chính sách. Hệ thống văn bản pháp quy về bất động sản hiện còn phức tạp và chồng chéo làm cản trở vai trò điều tiết thị trường.
Thị trường đang có sự “nhiễu loạn” trong việc minh bạch thông tin pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư cũng như phương thức thực hiện cam kết để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào loại hình bất động sản.
Việc chạy đua theo tăng trưởng của thị trường đã khiến một số chủ đầu tư bất chấp mở bán dự án trong khi chưa hoàn thiện pháp lý, chưa có giấy phép xây dựng. Thậm chí, lợi dụng thị trường tăng trưởng, nhiều chủ đầu tư còn lập “dự án ma” để lừa đảo huy động vốn khách hàng. Điều này đã gây lo ngại cho tâm lý các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc hạn chế các nguồn vốn tín dụng vào bất động sản trở thành các yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Mặt khác, hệ thống quy hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do khung giá đền bù chênh lệch nhiều so với giá thị trường. Tình trạng quy hoạch treo vẫn còn phổ biến tại nhiều đô thị.
Ý kiến của bạn