Nhịp cầu doanh nghiệp

CEO Trung Nam: "Không bán cổ phần chi phối, không bán cho đối tác có nguồn vốn không rõ ràng"

Mô hình trên làm điện gió, dưới làm điện mặt trời trên thế giới hiện chỉ có mình Trung Nam Group làm. Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, CEO của tập đoàn, danh tiếng hay vị thế, khi có được rồi nhưng giữ rất khó.

Liên tiếp trong thời gian ngắn, Trung Nam Group (TNG) công bố chuyển nhượng cổ phần dự án năng lượng tái tạo cho nhà đầu tư như: bán 49% cổ phần tại dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc, Ninh Thuận cho CTCP kỹ thuật công nghiệp Á Châu và bán 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam cho Hitachi SE.

Nhiều câu hỏi đặt ra với tập đoàn đầu ngành năng lượng tái tạo: tại sao chọn các đối tác trên, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài? Động thái tiếp theo của tập đoàn sẽ là gì? Trung Nam sẽ phát triển kinh doanh dựa trên các yếu tố cốt lõi nào?

Bên lề lễ ký kết với tập đoàn Hitachi vừa qua, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam đã chia sẻ rất "gan ruột" với những mối quan tâm trên của báo giới.

Quyết định bán cổ phần cho nhà đầu tư nội là CTCP kỹ thuật công nghiệp Á Châu tại dự án điện mặt trời, ông Tiến cho biết, đây là công ty chuyên cung cấp thiết bị cho TNG, việc bán cổ phần này còn thể hiện tinh thần đồng hành của hai bên trong những dự án khác.

Còn đối với đối tác ngoại là Hitachi, lãnh đạo TNG khẳng định trước hết việc chuyển nhượng cổ phần ở dự án năng lượng được luật cho phép. Ông Tiến cũng cho rằng đây là một cách thức hợp tác giúp doanh nghiệp “khỏe” hơn.

“Trong kinh tế tài chính bán chuyển nhượng cổ phần để mạnh lên, có dòng tiền tốt để phát triển dự án. Đây là cách thức nhà phát triển dự án đã làm. Trung Nam luôn nắm cổ phần chi phối, bán ra được lợi nhuận ngay lập tức, dùng làm vốn để phát triển dự án tiếp theo”, Tổng Giám đốc TNG nói.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa TNG và Hitachi

Ông Tiến nhấn mạnh, định hướng xuyên suốt của tập đoàn là giữ quyền chi phối tối thiểu 51% ở các dự án năng lượng tái tạo, bởi vẫn muốn điều hành các nhà máy điện của mình vì đang đi theo hướng chuỗi nhà máy. Nếu bán trên 51% thì mất đi quyền kiểm soát.

“Trung Nam có đặc điểm là không bao giờ bán cổ phần cho đối tác lên tới mức chi phối, không bán cho những đối tác có vốn không rõ ràng, thuộc những nước không có hòa thuận với Việt Nam. Rất nhiều đơn vị ở một số nước đặt vấn đề mua cổ phần nhưng chúng tôi từ chối. Chúng tôi hướng tới những công ty mạnh tài chính từ Nhật, châu Âu, Mỹ, họ có nền tảng lịch sử tốt, ví dụ Hitachi…”, ông chia sẻ.

Đề cập tới việc tại sao TNG chọn thời điểm hoàn thiện, vận hành dự án năng lượng mới tiền hành chuyển nhượng cổ phần, lãnh đạo tập đoàn này cho rằng việc bán “lúa non” là không thể, nhất là với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không hấp dẫn họ, họ sẽ không vào vì quá nhiều thủ tục, nhiều rủi ro. Trung Nam nuôi con lớn mới gả chứ không gả sớm.

Vấn đề chuyển nhượng cổ phần dự án có ảnh hưởng tới an ninh năng lượng vận hành hệ thống hay không?, Tổng Giám đốc TNG cho rằng vận hành hệ thống EVN đã nắm vững truyền tải điện, đơn vị điều phối truyền tải và phát điện, vì thế sẽ không có chuyện ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Ông nhấn mạnh, an ninh năng lượng không có nghĩa là không cho nước ngoài hay tư nhân đầu tư.

  

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, sau gần 17 năm phát triển, TNG hiện hoạt động trên 6 lĩnh vực gồm mảng năng lượng, bất động sản đô thị, bất động sản công nghiệp, du lịch, đầu tư hạ tầng và mảng mới là ngành công nghiệp sản xuất bo mạch điện tử.

Riêng công nghiệp điện tử, Trung Nam theo đuổi theo hướng sản xuất các bo mạch điện tử, một cấu phần tạo nên sản phẩm, không đi theo hướng sản xuất thành thương hiệu điện tử riêng vì rất khó cạnh tranh. Bởi để xây dựng 1 thương hiệu điện tử đòi hỏi nhiều từ khâu nghiên cứu, phân phối, bảo hành dịch vụ…

“Trung Nam chưa đủ tầm để sản xuất sản phẩm hoàn thiện. Theo triết lý thuyền lên nước lên, họ bán được nhiều sản phẩm thì mình gia công sản xuất sản phẩm bo mạch cho họ. Trong vòng 10-20 năm nữa mới tính đến chuyện R&D, thiết kế sản phẩm riêng”, Tổng Giám đốc TNG bày tỏ.

“Năng lượng, đặc biệt là điện gió sẽ là mảng chủ chốt của chúng tôi trong thời gian tới. Chúng tôi am hiểu thị trường này và tự tin rằng có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.”CEO Trung Nam Group Nguyễn Tâm Tiến

KCN thông tin tập trung ở Đà Nẵng 341ha (giai đoạn 1 là 131ha), Trung Nam đã xây dựng 3 dây chuyền để sản xuất mảng bo mạch điện tử. Đón đầu xu thế dịch chuyển một số ngành nghề trước tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Nam đã xây dựng chuỗi nhà máy bên cạnh lợi thế đất đai, chuẩn bị lực lượng lao động chuyên môn cao có thể cạnh tranh trên lĩnh vực bao gồm: Gia công bản mạch điện tử PCBA hiện hữu trong các thiết bị điện tử, các sản phẩm sẽ đi từ sản phẩm thương mại như cell-phone, laptop…đến những sản phẩm y tế đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng. Bên cạnh đó, những sản phẩm quốc phòng và hàng không cũng sẽ được hướng đến trong tương lai.

Với dự án ngăn triều tại TP.HCM, tập đoàn dự kiến làm trong 3 năm nhưng các thủ tục kéo dài đến nay chưa hoàn tất được. “Làm rồi dừng, dừng rồi làm và lại dừng. Các bộ ngành, kiểm tra đủ thứ họ thừa nhận là tốt, ra văn bản nghiệm thu, kiểm toán nhà nước vào, các đơn vị chức năng vào kiểm tra. Dù đã có Nghị quyết 40 của Chính phủ cho riêng dự án nhưng các thủ tục đang chờ để vận hành lại. Một tháng không biết bao nhiêu tiền duy trì, chờ đợi rất tốn kém.”, lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam chia sẻ.

HUYỀN TRÂM
Cuộc sống an toàn

Ý kiến của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không hiển thị.
Thông tin bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục