Elon Musk dính cáo buộc thao túng giá tiền ảo
Elon Musk đã bị một nhà đầu tư Dogecoin kiện đòi 258 tỷ USD với cáo buộc điều hành một kế hoạch kim tự tháp để thao túng giá tiền điện tử có chủ ý nhằm trục lợi.
Cáo buộc thao túng giá
Mới đây, ông trùm hãng xe điện Tesla Elon Musk đã bị khởi kiện với số tiền 258 tỷ USD vào ngày 15/6, sau khi một nhà đầu tư Dogecoin cáo buộc vị tỷ phú đã thao túng giá của đồng tiền điện tử này, bằng cách thực hiện một “ kế hoạch kim tự tháp” để tăng giá trị của nó và trục lợi từ các giao dịch.
Theo đó, nguyên đơn Keith Johnson đã đệ đơn lên tòa án liên bang ở Manhattan, Mỹ cáo buộc CEO Tesla gian lận. Johnson cho biết, mình là một công dân Mỹ đã bị lừa tiền bởi “Kế hoạch kim tự tháp tiền điện tử Dogecoin” của các bị đơn. “Những người thực hiện kế hoạch đó đã tuyên bố một cách gian dối rằng Dogecoin là một khoản đầu tư hợp pháp trong khi nó không có giá trị gì cả”.
Đơn kiện được gửi đi để đại diện cho những người bị mất tiền khi giao dịch Dogecoin kể từ tháng 4/2019. Con số chính xác về vụ kiện đến từ yêu cầu bồi thường thiệt hại 86 tỷ USD của Johnson, nhưng số tiền mà đơn kiện của anh ta yêu cầu là tăng gấp ba lần.
Được biết, tài sản cá nhân của Elon Musk rất lớn, với việc kiểm soát cổ phần tại Tesla, SpaceX và những nỗ lực gần đây để mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD một cách quyết liệt. Tính đến đầu tháng 5/2022, khối tài sản của Musk ước tính hơn 200 tỷ USD, nhưng con số đó đã giảm xuống còn khoảng 197 tỷ USD vào thời điểm vụ kiện Dogecoin xảy ra.
Đơn kiện của Johnson cũng kêu gọi Musk và các công ty được trích dẫn trong vụ kiện sẽ bị cấm quảng cáo về Dogecoin trong tương lai. Đồng thời yêu cầu phân loại lại giao dịch Dogecoin là hình thức cờ bạc theo Luật của Hoa Kỳ.
Các luật sư của ông Johnson khẳng định, tiền điện tử "không có giá trị gì cả" và hồ sơ tòa án có trích dẫn từ các tỷ phú như Bill Gates hay Warren Buffett đều đặt câu hỏi về giá trị của các tài sản kỹ thuật số như vậy.
Đứng trước những thông tin này, vị tỷ phú vẫn chưa đưa ra bình luận nào.
>> Elon Musk đáng sợ như thế nào khi "chơi mạng xã hội”?
Dogecoin đã thăng – giáng ra sao?
Các kỹ sư phần mềm Billy Marcus và Jackson Palmer là người đã tạo ra Dogecoin vào cuối năm 2013. Palmer xây dựng thương hiệu cho logo của tiền điện tử bằng cách sử dụng một meme phổ biến vào thời điểm đó có từ “doge” để mô tả một chú chó Shiba Inu.
Pat White, Giám đốc điều hành của Bitwave cho biết: “Doge đã thực sự bắt đầu chế nhạo Bitcoin. Trong những ngày đầu thành lập, một cộng đồng những người đam mê đã sắp xếp các hoạt động công khai để nâng cao vị thế của Dogecoin. Ví dụ như thu thập tiền để gửi đội Bobsleigh (môn thể thao xe trượt lòng máng) của Jamaica đến Thế vận hội 2014, hoặc tài trợ cho một tay đua NASCAR.
Vào đầu năm 2021, Dogecoin đã đạt được vị thế đầy “sùng bái” trên bảng tin WallStreetBets của mạng xã hội Reddit, nơi những người đam mê đã hứa đưa giá trị của nó lên mặt trăng. Đến đầu tháng 5, Dogecoin đã tăng lên mức cao là 0,68 USD/DOGE, so với giá trị chỉ dưới một xu vào đầu năm.
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk được xem là đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng lớn này, sau khi gọi Dogecoin là tiền điện tử yêu thích của mình. Cùng thời điểm, Dogecoin liên tục được bầu chọn là một trong 5 tiền điện tử hàng đầu theo tổng vốn hóa thị trường.
Tuy nhiên, cũng kể từ đó, giá trị của Dogecoin đã giảm mạnh và chạm đáy khoảng 0,11 USD vào tháng 3/2022, mặc dù nó vẫn nằm trong số 20 loại tiền điện tử hàng đầu theo vốn hóa thị trường.
Ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain phân tích, giống như nhiều đồng tiền khác, Dogecoin chạy trên blockchain chuyên dụng của riêng nó. Sổ cái kỹ thuật số của Dogecoin liên tục được cập nhật với tất cả các giao dịch mới và mạng lưới sử dụng mật mã để giữ an toàn cho tất cả các giao dịch.
Chuỗi khối Dogecoin sử dụng cơ chế đồng thuận bằng chứng công việc, nơi các thợ đào sử dụng máy tính để giải các phương trình toán học phức tạp nhằm xử lý các giao dịch và ghi lại chúng trên chuỗi khối. Để đổi lấy việc hỗ trợ blockchain, các thợ đào kiếm thêm Dogecoin, sau đó họ có thể nắm giữ hoặc bán trên thị trường mở.
“Có thể thấy, Dogecoin được chấp nhận sử dụng để thanh toán và mua hàng, nhưng nó không phải là phương tiện lưu trữ giá trị hiệu quả. Điều này chủ yếu là do không có giới hạn trọn đời về số lượng Dogecoin có thể được tạo ra bằng cách khai thác. Đồng nghĩa với việc đồng tiền điện tử có tính lạm phát cao. Blockchain thưởng cho những người khai thác công việc của họ bằng cách tạo ra hàng triệu Dogecoin mới mỗi ngày, điều này khiến việc tăng giá đầu cơ trong Dogecoin rất khó khăn để giữ vững theo thời gian”, ông Hoàng nói.
Như vậy, vận may, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của Dogecoin và Elon Musk đã gắn bó với nhau trong một thời gian dài, khi vị tỷ phú đã dành sự quan tâm đặc biệt với DOGE, nhất là lúc bùng nổ tiền điện tử trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Hồ sơ công khai và lượng người theo dõi trực tuyến khổng lồ của Musk được coi là điểm tựa lớn cho đồng tiền này, nhưng những hành vi thất thường của vị tỷ phú đã gây ra sự thay đổi lớn về giá trị của Dogecoin.
Gần nhất là đầu năm nay, Tesla đã bắt đầu chấp nhận Dogecoin như một phương thức thanh toán cho hàng hóa, trừ ô tô điện của họ.
Tuy nhiên trong làn sóng “downtrend” của thị trường tiền điện tử, Dogecoin cũng chịu chung số phận khi liên tục trồi sụt. DOGE hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 0,053 USD/BTC trên sàn Binance.
Ý kiến của bạn