Nhịp cầu doanh nghiệp

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch "chạy nước rút" lợi nhuận

Với loạt ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận từ 30-90% năm nay, gánh nặng COVID-19 dường như đã dần lùi lại sau lưng...
 
 

Mùa cao điểm họp đại hội đồng cổ đông đang bắt đầu, nhiều nhà băng đã lên kế hoạch kinh doanh chi tiết, tiếp tục lạc quan với năm 2022.

Ngày 29/4 tới, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Tại cuộc họp này, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 29.662 tỷ đồng (gần 1,3 tỷ USD), gấp đôi kết quả đạt được trong năm 2021, trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ dự kiến đạt trên 23 nghìn tỷ, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ.

Con số lợi nhuận mục tiêu trên được tính toán dựa trên các yếu tố bao gồm tổng tài sản tăng trưởng 27,4%, lên 697,4 nghìn tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến tăng trưởng 27,8%, lên 413 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 518,4 tỷ đồng, tăng trưởng tới 35%, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ dưới 3%.

Cùng với mục tiêu lợi nhuận "khủng", VPBank cũng lên kế hoạch mạnh tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến sẽ tăng mạnh từ 45.056 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng (tương đương mức tăng 76%) vào cuối năm nay.

Nói về kế hoạch tham vọng trên, ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá, trong năm 2022, ngành ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tích cực khi nhu cầu tín dụng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ là nguyên liệu đáp ứng cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, để duy trì đà tăng trưởng hiệu quả cũng như chủ động ứng phó với những bất định và thách thức của môi trường kinh doanh, bên cạnh việc nắm bắt tốt hơn các cơ hội từ sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Việt Nam, ngân hàng đã đề ra một số mục tiêu cơ bản tối ưu nguồn lực, củng cố các biện pháp tăng năng suất, ưu tiên tăng trưởng quy mô hoạt động đi kèm với tăng trưởng có chất lượng để phù hợp với quy mô gia tăng vốn chủ sở hữu lớn của ngân hàng, bứt phá tại các phân khúc chiến lược với vị thế dẫn đầu.

Một ngân hàng khác là Eximbank cũng lên kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh với 2.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần kết quả đạt được trong năm 2021. Mục tiêu này được đánh giá là khá tham vọng khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Eximbank chỉ đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2020 và không đạt kế hoạch lợi nhuận năm, dù ngân hàng đã phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận từ 2.105 tỷ đồng xuống còn 1.300 tỷ đồng ngay “phút thứ 89”.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng lên kế hoạch lợi nhuận khả quan trong năm nay bao gồm SHB (tăng 87% lên 11.868 tỷ đồng), VietBank (tăng 71,4%, đạt hơn 1.000 tỷ đồng), SeABank (tăng 50%, lên 4.867 tỷ đồng), Viet Capital Bank (tăng 44%, đạt 450 tỷ đồng), TPBank (tăng 36% lên 8.200 tỷ đồng), MSB (tăng 30% lên 6.800 tỷ đồng) …

 

Trong khi đó, ở nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, các chỉ tiêu kinh doanh cũng dần được hé lộ, dù thông tin còn khá dè dặt.

Năm nay, Vietcombank đặt kế hoạch tổng tài sản tăng trưởng 8% so với năm 2021, trong đó, tín dụng tăng 15%. Huy động vốn thị trường 1 phù hợp với tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với kết quả đạt được trong năm 2021.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã bước đầu xác định các chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm nay, với tổng tài sản dự kiến tăng từ 5 - 10%; huy động vốn tăng khoảng 8-10%; dư nợ tín dụng tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 1,8%.

Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của NHNN.

Riêng tại BIDV, các thông tin liên quan đến kế hoạch kinh doanh đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được công bố. Dù vậy, một điểm chung ở các ngân hàng nhóm này trong thời gian qua là mức tăng của vốn điều lệ vẫn còn hạn chế, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đang ở sát mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, do vậy, các chỉ tiêu tăng trưởng đều khá khiêm tốn so với nhóm NHTMCP.

Dự kiến từ tuần tới, nhiều ngân hàng sẽ bắt đầu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 nhằm định hướng, thông qua kế hoạch kinh doanh cho cả năm nay. Sau năm 2021 với kết quả kinh doanh nói chung khá khả quan khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các thành viên tiếp tục có thêm nhiều điểm thuận lợi để lạc quan hơn trong năm nay.

Còn ở kỳ vọng chung, một khảo sát vừa được Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện trên toàn hệ thống cho thấy, dự kiến trong năm 2022, có tới 89,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị sẽ tăng trưởng dương so với năm 2021.

TRẦN THUÝ
Lao động công đoàn

Bài liên quan

Ý kiến của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không hiển thị.
Thông tin bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục