Nhịp cầu doanh nghiệp

Vốn hoá Facebook tụt dưới 600 tỷ USD, trong cái rủi có cái may?

Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook đã giảm chóng mặt kể từ thời điểm công bố kết quả kinh doanh cách đây 1 tuần. Tuy nhiên, mức vốn hoá tụt dưới 600 tỷ USD có thể mang đến cho “gã khổng lồ” công nghệ này một tin tốt: Công ty có thể tránh được phạm vi giám sát của một đạo luật chống độc quyền mới đang trong quá trình soạn thảo.

Phiên giao dịch mới đây, cổ phiếu Meta giảm 2,1% và đóng cửa ở mức 220,18 USD. Cổ phiếu này đã giảm 35% trong năm nay và đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

Cách đây không lâu, Facebook nằm trong số 5 công ty có giá trị nhất của Mỹ, cùng với các công ty công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet. Tuy nhiên, Meta kể từ đó đã tụt xuống vị trí thứ 8, dưới Tesla, Berkshire Hathaway và hiện tại là Nvidia.

Vốn hóa thị trường của Meta giảm xuống còn 599 tỷ USD, trong khi Nvidia đóng cửa ở mức 627 tỷ USD. Tiếp theo là Visa với 478 tỷ USD.

Ngay trong đêm, Nvidia đã thông báo rằng họ sẽ chấm dứt nỗ lực mua lại hãng công nghệ chip Arm và sẽ trả khoản phí chia tay 1,26 tỷ USD cho SoftBank, mẹ của Arm. Nvidia đã hủy bỏ thỏa thuận trong bối cảnh những thách thức lớn về quy định, bao gồm một cuộc điều tra ở Anh và một vụ kiện từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC).

Cổ phiếu Nvidia đã tăng 1,5% vào hôm 8/2 lên 251,08 USD, mức tăng hơn 300% kể từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, công ty này đã mất khoảng 15% giá trị kể từ đầu năm.

Trong khi đó, sau khi Meta công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 với lượng người dùng hàng tháng ngừng tăng trưởng, cổ phiếu công ty giảm 26%, kéo vốn hoá tụt gần 240 tỷ USD – mức giảm vốn hoá mạnh nhất trong một phiên giao dịch của bất kỳ công ty nào trên thế giới từ trước đến nay.

Trong cái rủi có cái may, mốc vốn hoá 600 tỷ USD cũng chính là con số mà các nhà lập pháp trong Hạ viện Mỹ lựa chọn làm ngưỡng cho một gói dự luật về chống độc quyền đang được soạn thảo để nhằm vào các hãng công nghệ lớn (Big Tech). Nếu vốn hoá của Meta duy trì dưới mốc này, công ty có thể tránh được những trở ngại mà dự luật đặt ra đối với hoạt động kinh doanh và mua bán-sáp nhập của công ty.

Trong khi đó, những “ông lớn” công nghệ khác như Amazon, Alphabet, Apple và Microsoft sẽ trở thành đối tượng của quy định mới.

Cần phải nói thêm rằng gói dự luật trên sẽ không sớm trở thành luật, vì quy trình là khá dài. Nội dung của dự luật cũng có thể được điều chỉnh và dự luật cũng có thể vẫn áp dụng đối với các hãng công nghệ trong một khoảng thời gian nhất định sau khi vốn hoá giảm dưới ngưỡng đề ra.

Trong khi đó, một dự luật khác mà mà Thượng viện Mỹ đang thúc đẩy sử dụng một ngưỡng vốn hoá thấp hơn so với ngưỡng 600 tỷ USD mà gói dự luật của Hạ viện đưa ra. Ngưỡng vốn hoá 550 tỷ USD trong dự luật này đồng nghĩa với Facebook vẫn có thể trở thành đối tượng bị giám sát.

Dù vậy, việc vốn hoá của Facebook giảm dưới 600 tỷ USD một lần nữa cho thấy những thách thức mà các nghị sỹ Mỹ phải đối mặt khi soạn thảo các dự luật nhằm vào ngành công nghệ. Ngoài việc đảm bảo rằng các dự luật không bị lỗi thời sau khi được thông qua, họ còn phải tìm cách làm thế nào để dự luật có thể bao trùm tất cả những đối tượng mà họ muốn nhắm tới.

Facebook hiện đang đối mặt với một vụ kiện chống độc quyền theo luật hiện hành của Mỹ. Trong đó, FTC cáo buộc Facebook dùng việc mua lại Instagram và WhatsApp để duy trì sức mạnh độc quyền. Nếu dự luật chống độc quyền mà Thượng viện Mỹ đang thúc đẩy được thông qua và Meta trở thành đối tượng giám sát của luật đó, thì tập đoàn này sẽ rất khó thực hiện được các vụ mua lại tương tự trong tương lai.

Vnmedia

Bài liên quan

Ý kiến của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không hiển thị.
Thông tin bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục