Trước khi thay Tổng giám đốc, ACB lột xác thế nào dưới thời ông Đỗ Minh Toàn?

Ông Đỗ Minh Toàn vừa rời ghế Tổng giám đốc ngân hàng ACB sau 9 năm điều hành. Dưới thời ông Toàn, ACB từ một ngân hàng gặp khủng hoảng với hàng loạt khó khăn bủa vây, đã lột xác trở thành một trong những nhà băng lớn trên thị trường.
Tháng 8/2012, thượng tầng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có biến động khi ông Đỗ Minh Toàn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, thay thế cho ông Lý Xuân Hải bị khởi tố trong sự kiện Bầu Kiên.
Việc ngồi vào ghế CEO lúc bấy giờ có thể coi là đột ngột với ông Đỗ Minh Toàn, dù ông đã nằm trong danh sách nhân sự được Hội đồng quản trị quy hoạch cho vị trí này từ hơn 1 năm trước đó.
Nhận ghế CEO, ông Toàn đối mặt với muôn vàn khó khăn, trong đó lớn nhất là việc ngân hàng lập tức rơi vào khủng hoảng thanh khoản. Ngay trong ngày đầu tiên sau khi có tin Bầu Kiên bị bắt, lượng người đến rút tiền tại ACB đã cao gấp 3 lần bình thường. ACB đã ngay lập tức phải dùng trái phiếu để vay từ Ngân hàng Nhà nước 10.000 tỷ đồng nhằm phục vụ công tác thanh khoản, đồng thời các khoản tiền gửi liên ngân hàng khi đến hạn cũng được rút về.
Bên cạnh đó, ACB cũng triển khai các chương trình nhằm khuyến khích khách hàng đã rút tiền quay lại với ngân hàng, như tặng quà, hay cam kết giữ nguyên lãi suất với những người rút sổ tiết kiệm trước thời hạn.
Mặc dù vậy, tính tổng cộng trong quý 3/2012, tiền gửi của khách hàng tại ACB đã giảm tới 23.000 tỷ đồng, mức sụt giảm mạnh nhất lịch sử ngân hàng này.

Tiền gửi khách hàng tại ACB giảm đột ngột sau vụ Bầu Kiên, và giờ đây đã tăng gấp 3 lần
Không chỉ bị rút tiền gây ảnh hưởng thanh khoản, mà quy mô tài sản của ACB cũng sụt giảm nặng nề. Cuối quý 2/2012, tài sản của ngân hàng là 256.000 tỷ đồng, thì đến cuối năm đó giảm gần 80 nghìn tỷ, chỉ còn 177.000 tỷ đồng.
Đà giảm kéo dài cho đến tận quý 3/2013, khi tài sản ACB lúc này chỉ còn khoảng 160.000 tỷ đồng.

Quy mô tài sản ACB cũng giảm mạnh, nhưng giờ đây cũng lớn gấp 3 lần sau 9 năm
Bên cạnh đó, ông Đỗ Minh Toàn tiếp quản ACB đúng vào thời điểm mảng kinh doanh mạnh nhất của ngân hàng này là vàng bị siết chặt. Trước đây, ACB là ngân hàng huy động vàng lớn nhất hệ thống, với lãi suất chỉ 1%/năm. Từ đó, vàng được chuyển thành tiền đồng và đem cho vay liên ngân hàng với lãi suất 10-15%/năm.

Tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác có thời điểm lên tới hơn 56.000 tỷ đồng, nhưng sau đó giảm sâu
Ý kiến của bạn