Nhịp cầu doanh nghiệp

Thương vụ lấy đồng giả vàng đi vay 2,8 tỷ USD gây sốc ở Trung Quốc

Kingold Jewelry, một trong những công ty chế tác đá quý lớn nhất Trung Quốc, bị cáo buộc sử dụng 83 tấn vàng giả để vay thế chấp 2,8 tỷ USD, theo hãng tin Caixin.

Kingold Jewelry, trụ sở tại Vũ Hán và niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ, bị cáo buộc sử dụng 83 tấn vàng giả làm tài sản thế chấp để vay 20 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) từ 14 tổ chức tài chính Trung Quốc trong vòng hơn 5 năm. Vụ việc là bê bối thứ hai trong vòng 3 tháng liên quan đến công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, làm dấy lên nguy cơ thúc đẩy giới chính trị gia Mỹ trục xuất công ty Trung Quốc khỏi Phố Wall.

Giá cổ phiếu Kingold Jewelry đã giảm gần 25% trong sáng 29/6, sau khi các cáo buộc xuất hiện trên Caixin, trang tin tài chính tại Trung Quốc. Kingold phủ nhận cáo buộc trên và đang bị "nhà chức trách" điều tra.

Theo Caixin, vụ vàng giả bị phanh phui vào tháng 2, khi quỹ tín dụng Dongguan Trust bắt đầu thanh lý tài sản thế chấp của Kingold để bù vào những khoản nợ. Cuối năm ngoái, Kingold bị cáo buộc mất khả năng chi trả cho nhà đầu tư trong hàng loạt sản phẩm ủy thác. Dongguan Trust phát hiện các thỏi vàng chỉ là đồng được mạ vàng bên ngoài.

Thông tin trên lập tức khiến các chủ nợ của Kingold bị sốc. China Minsheng Trust, một trong những chủ nợ lớn nhất, xin tòa án cho phép kiểm tra tài sản đảm bảo trước khi nợ của Kingold đến hạn thanh toán. Ngày 22/5, kết quả kiểm tra cho thấy các thỏi vàng trong kho niêm yết của Minsheng Trust cũng là lõi đồng.

Các bên cho vay mua bảo hiểm cho các khoản vay tại công ty bảo hiểm nhà nước PICC Property & Casualty cùng nhiều công ty nhỏ khác. PICC không bình luận về vụ việc.

Kingold được sáng lập năm 2002 bởi Jia Zhihong, cựu quân nhân tại Vũ Hán và Quảng Châu. Công ty chuyên thiết kế và sản xuất trang sức, đồ trang trí bằng vàng 24-karat, cung cấp trực tiếp cho các cửa hàng bán lẻ và qua các nhà phân phối lớn khắp Trung Quốc.

Tháng 11/2019, Kingold tuyên bố lỗ ròng 24 triệu USD, tương đương 2,18 USD trên mỗi cổ phiếu, trong 9 tháng đầu năm 2019. Doanh thu 9 tháng đạt 1,43 tỷ USD, giảm so với mức 1,84 tỷ USD cùng kỳ năm 2018.

Caixin miêu tả đây là một trong những vụ lừa đảo vàng lớn nhất tại Trung Quốc.

Vụ việc xảy ra 3 tháng sau khi Luckin Coffee, niêm yết tại Nasdaq, thừa nhận ngụy tạo doanh thu 310 triệu USD.

Tháng 4, TAL Education Group, công ty trụ sở Bắc Kinh chuyên điều hành các trung tâm dạy học và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), được cho là đã thổi phồng doanh thu của một mảng kinh doanh lên hàng trăm triệu USD. iQiyi, công ty dịch vụ video trực tuyến của Trung Quốc, niêm yết trên Nasdaq, cũng bị cáo buộc làm giả số liệu.

Những bê bối này càng khiến giới lập pháp Mỹ mất thiện cảm với các công ty Trung Quốc muốn huy động vốn tại Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng liên quan thương mại, cách ứng phó Covid-19, Thượng viện Mỹ gần đây đã thông qua một dự luật chưa từng có để ngăn công ty Trung Quốc tiến vào Phố Wall.

Dự luật yêu cầu các công ty Trung Quốc, trước khi được niêm yết trên thị trường Mỹ, phải chứng minh rằng họ không thuộc sở hữu hoặc chịu kiểm soát của chính phủ nước ngoài, và nộp giấy tờ kiểm toán cho Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty đại chúng Mỹ (PCAOB). Đây là một trong những thay đổi lớn nhất Nasdaq đưa ra nhằm nâng tiêu chuẩn cho các ứng viên IPO, cùng với việc nâng mức huy động tối thiếu lên 25 triệu USD, hoặc ít nhất 1/4 giá trị công ty.

HOÀNG HÀ

Bài liên quan

Ý kiến của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không hiển thị.
Thông tin bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục