Phí SMS Banking quá cao, ngân hàng khuyến khích khách hàng chuyển qua app

Để bớt phụ thuộc vào các đơn vị viễn thông, các ngân hàng đang khuyến khích các khách hàng chuyển hướng sang sử dụng kênh ngân hàng số để giảm chi phí và giảm rủi ro tin nhắn mạo danh.
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, không ít hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng Vietcombank tỏ ra bất ngờ khi phí SMS Banking của tháng 1/2022 tăng vọt lên mức 55.000 đồng - 77.000 đồng/tháng, tăng mạnh 5 - 7 lần so với mức cố định 11.000 đồng như những tháng trước đó.
Là ngân hàng sở hữu tệp khách hàng cá nhân đứng đầu hệ thống (tới gần 17 triệu người), chính sách tăng phí dịch vụ này của Vietcombank chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến người dùng dịch vụ ngân hàng hiện nay.
Không chỉ riêng "ông lớn" Vietcombank, hai ngân hàng khác là BIDV và Techcombank cũng đang áp dụng phí SMS Banking theo hệ bậc thang với mức phí phải trả cao nhất lên tới gần 83.000 đồng/tháng.
Theo đó, tuỳ thuộc vào lượng tin nhắn, số tiền phí SMS Banking của chủ tài khoản BIDV phải đóng hàng tháng có thể ở mức 9.900 đồng, 33.000 đồng, 60.500 đồng hoặc 77.000 đồng.
Còn tại Techcombank, phí dịch vụ biến động số dư tin nhắn với khách hàng thông thường dao động từ 13.200 đồng đến 82.500 đồng. Mức phí cao nhất là 82.500 đồng, áp dụng cho người nhận từ 61 tin nhắn trở lên mỗi tháng.
Thực tế, phí tin nhắn SMS banking gồm nhiều loại thông báo bao gồm mở tài khoản, biến động số dư tài khoản,… và các nhà mạng đang thu phí dịch vụ tin nhắn này cao gấp ba lần tin nhắn của cá nhân. Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng một tin nhắn, Viettel là 785 đồng một tin nhắn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA cho biết, nhiều nhà băng đang phải gánh lỗ cả trăm tỷ đồng vì dịch vụ SMS Banking.
“Theo chúng tôi được biết, cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao hơn gấp 3 lần so với phí tin nhắn bình thường. Nếu các tổ chức tín dụng thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của khách hàng cao tương ứng thì rất mang tiếng, nhưng nếu miễn phí cho khách hàng thì các tổ chức tín dụng cũng không thể “gánh” được cước phí của nhà mạng thu”, ông Hùng nói.
Hai năm qua, VNBA cũng đã nhiều lần kiến nghị đơn vị viễn thông giảm giá dịch vụ, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp viễn thông, tổ chức tín dụng và khách hàng. Tuy nhiên cho tới nay, chưa có một giải pháp cụ thể nào được chính thức công bố.
Theo đó, để bớt phụ thuộc vào các đơn vị viễn thông, các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh sang khuyến khích các khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số để giảm chi phí tin nhắn và giảm rủi ro tin nhắn mạo danh.
Đơn cử như tại VietABank, ngân hàng này đang có nhiều chính sách nhằm khuyến khích khách hàng nhận thông báo biến động tài khoản qua email hoặc nhận tin nhắn OTT qua app EZmobile của ngân hàng.
Ngoài ra, đối với những khách hàng thường xuyên có giao dịch mà không muốn sử dụng 2 hình thức nêu trên thì có thể lựa chọn các gói combo tài khoản để được miễn phí SMS.
Tương tự, tại MB, khách hàng cũng được khuyến khích chuyển sang nhận biến động số dư qua App MBBank thay vì qua SMS Banking như trước. Theo đó, chỉ cần đăng ký trên app, người dùng có thể nhận thông tin biến động số dư một cách nhanh chóng, tiện lợi với mức phí 0 đồng, không giới hạn số lần biến động số dư.
“Ông lớn” Vietcombank dù vừa tăng mạnh phí SMS Banking nhưng cũng đang hỗ trợ dịch vụ thông báo số dư qua OTT (dịch vụ OTT Alert). Ngân hàng này cho biết, dịch vụ OTT sẽ hỗ trợ thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ, các thông tin dịch vụ, các chương trình ưu đãi và nhiều thông tin khác từ VCB trên ứng dụng VCB Digibank một cách hoàn toàn miễn phí.
Ý kiến của bạn