Nhịp cầu doanh nghiệp

Kiểm soát chi chặt nhưng vẫn tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách

Không để tồn đọng hồ sơ tại Kho bạc

Thông tin tại cuộc họp báo, ông Lê Văn Khoa cho biết, năm 2019, KBNN đã tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó, hệ thống kho bạc đã tăng cường quản lý, kiểm tra quy trình nghiệp vụ trong kiểm soát chi để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị trong toàn hệ thống. Đồng thời, KBNN tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong kiểm soát chi NSNN; quán triệt công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi tuyệt đối không gây sách nhiễu, phiền hà cho đơn vị sử dụng ngân sách; không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do.

Thời gian qua, KBNN đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, chứng từ với định hướng cải cách, triển khai dịch vụ công điện tử; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đối với kiểm soát chi đầu tư, thời gian kiểm soát chi đã rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Đối với chi thường xuyên, KBNN đã kiểm soát các khoản chi nhỏ theo bảng kê chứng từ thanh toán.

Đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, KBNN thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi; áp dụng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, rút ngắn tối đa thời gian thanh toán xuống còn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ của đơn vị.

Lê Văn Khoa 

 Ông Lê Văn Khoa tại cuộc họp báo. Ảnh: T.T

Theo ông Lê Văn Khoa, nhờ đó, công tác kiểm soát chi qua KBNN năm 2019 đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đối với chi thường xuyên, tính đến ngày 15/12, hệ thống KBNN đã kiểm soát được 846.353 tỷ đồng, đạt hơn 81% dự toán chi thường xuyên của NSNN qua KBNN (không bao gồm các khoản chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Thông qua kiểm soát chi, các đơn vị KBNN đã phát hiện gần 22 nghìn khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định; đã yêu cầu bổ sung thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 79 tỷ đồng.

Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), tính đến ngày 15/12, lũy kế vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2019 kiểm soát chi qua KBNN giải ngân là hơn 247.455 tỷ đồng, đạt gần 62% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dự kiến lũy kế giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2019 kiểm soát chi qua KBNN giải ngân đến ngày 31/1/2020 là 339.690 tỷ đồng, ước đạt 88,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết quả từ chối thanh toán tính đến 15/12 là 90,1 tỷ đồng. Số tiền từ chối này là do chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, một số khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định.

Tăng kỳ hạn, giảm lãi suất trái phiếu chính phủ

Theo ông Lê Văn Khoa, trong năm 2019, KBNN chủ động bám sát tình hình thu – chi NSNN và diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ để điều hành công tác huy động vốn phù hợp với nhu cầu cân đối của NSNN; đồng thời duy trì sự phát triển ổn định của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP).

Theo đó, KBNN trình Bộ Tài chính điều chỉnh giảm nhiệm vụ huy động vốn năm 2019 nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí lãi vay cho NSNN. Tính đến hết ngày 15/12, KBNN đã huy động được hơn 229.418 tỷ đồng.

Về kỳ hạn phát hành, KBNN tập trung phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo đúng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Về lãi suất phát hành, KBNN đã điều hành lãi suất phát hành TPCP linh hoạt, bám sát thị trường, lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2019 ở mức là 4,51%/năm, giảm 0,2%/năm so với năm 2018.

Về tái cơ cấu danh mục nợ TPCP theo hướng an toàn, bền vững, trong năm 2019 KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nghiệp vụ tái cơ cấu nợ thông qua hoán đổi TPCP theo phương thức đấu thầu nhằm giãn đỉnh nợ đến hạn năm 2020 – 2021, đồng thời hướng tới công khai, minh bạch.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Văn Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ KBNN cho biết, năm 2019, KBNN đã tổ chức phát hành TPCP rất thành công, tăng kỳ hạn phát hành, giảm lãi suất phát hành, kéo dài kỳ hạn danh mục của TPCP. Trên cơ sở diễn biến của thị trường, KBNN đã có biện pháp tổ chức phát hành phù hợp./.

MNH ANH
Thời báo Tài chính Việt Nam

Bài liên quan

Ý kiến của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không hiển thị.
Thông tin bắt buộc được đánh dấu *

Cùng chuyên mục