Không ít nhà đầu tư F0 đang đứng ngồi không yên sau cơn sốt đất hạ nhiệt

Chắc chắn ngược với trạng thái hồ hởi khi vào thị trường BĐS, sau khi cơn sốt đất “hạ nhiệt” sẽ có không ít nhà đầu tư F0 ôm đất ngồi tính đường “thoát hàng”.
Trước đó, theo báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, khoảng 30-40% lực cầu đầu tư ngoài ngành vào BĐS tại Tp.HCM đến từ F0 trong những tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, thời điểm đất đai sốt khắp nơi, đối tượng nhà đầu tư này vào thị trường ồ ạt. Các giao dịch chủ yếu là đầu tư ngắn hạn, chờ lên giá rồi bán chốt lời, rút vốn. Thị trường thêm sôi động, giá BĐS tăng nhưng theo đơn vị này, không chắc chắn về tính bền vững của đối tượng này.
Còn theo ông David Jackson, Tổng giám đốc của Colliers Việt Nam, ước tính hơn 70% giao dịch toàn thị trường năm 2020 đã đến từ các nhà đầu tư F0. Tỷ lệ này có thể giữ nguyên ở mức hiện tại hoặc tăng lên trong vài năm tới khi giá BĐS có khả năng tăng theo thời gian.
Vị chuyên gia này cho rằng, nhà đầu tư F0 thường sẽ trả kỳ thanh toán đầu tiên và cố gắng tìm cách bán BĐS để tránh việc phải tiếp tục trả các kỳ thanh toán tiếp sau. Họ mong muốn có được khoản lợi nhuận nhỏ trong quãng thời gian ngắn và điều này thường khiến giá BĐS tăng rất nhanh.
Hiện tại, khi cơn sốt đất nền lắng xuống, người ta đặt câu hỏi: Liệu nhà đầu tư F0 đang như thế nào?. Chắc chắn một điều, sau một loạt cơn sốt bất thường diễn ra ở một số khu vực sau thời điểm Tết Nguyên đán sẽ không hiếm các nhà đầu tư "ôm đất" khi chưa kịp thoát hàng trong cơn sốt đất. Chẳng hạn, tại thị trường Hớn Quản, không ít nhà đầu tư đang ôm cả vài héc-ta đất nông nghiệp, chưa kịp bán lại cho NĐT khác thì cơn sốt đã dứt. Và, trong số đó, khá nhiều người hiện rao giá bán giá gốc, thậm chí cắt lỗ cũng khó ra được hàng do không còn khách quan tâm.
Chưa kể, có người liều mình ôm hết tiền tiết kiệm dành dụm cả chục năm mua nhà đi đầu tư đất và giờ "mắc cạn", đành tiếp tục chờ vào thị trường. Tuy nhiên, để chờ khi có thêm cơn sốt ở các khu vực không nhiều tiềm năng phát triển là bài toán không hề dễ đối với NĐT.
Không chỉ ở Hớn Quản, một số khu vực như Bắc Giang, Hải Phòng, hay Thanh Hoá…khi cơn sốt đi qua thì việc NĐT rao bán cắt lỗ hoặc khó ra hàng chiếm số lượng không ít sau cơn sốt. Người ta nhắc nhiều đến những NĐT thắng đậm nhưng lại ít nhắc đến những NĐT thua lỗ sau cơn sốt.
Con số này dù không có thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn với những NĐT vay ngân hàng để đầu tư đất, áp lực lãi vay trong khi thị trường lặng sóng thì việc bán cắt lỗ rất dễ xảy ra. Với khoảng 30-40% nhà đầu tư F0 từ các ngành nghề khác sang đầu tư BĐS thời điểm nóng sốt chắc chắn không phải 100% những NĐT này đều lướt sóng thành công. Trong số đó, sẽ có những người chưa kịp rút ra khỏi thị trường.
Những ngày gần đây, không khó để tìm thấy thông tin bán cắt lỗ BĐS trên các sàn giao dịch rao vặt điện tử. Trong đó, phân khúc có thông tin bán cắt lỗ nhiều nhất là đất nền, căn hộ, nhà liền kề. Điều này cho thấy, "mảng chìm" của đầu tư BĐS không hề ít.
Ý kiến của bạn