Cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk kết hợp Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) tổ chức Họp khởi động dự án Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Với nguồn tài trợ 1,770,000,000 KRW (tương đương hơn 35 tỉ đồng) trong vòng 3 năm (từ năm 2021 đến năm 2024), dự án hướng đến mục tiêu cốt lõi là giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh ở đồng bào dân tộc thiểu số trên 4 huyện và 20 xã dự án thuộc địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Sơn La.
Tham dự buổi họp khởi động dự án tại TP. Buôn Ma Thuột do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) phối hợp với Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức, có đại diện UBND tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở kế hoạch đầu tư, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, Ban Quản lý dự án cấp tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), Bệnh viện Vùng Tây Nguyên, Ban Quản lý dự án huyện Ea Súp và huyện M’Drắk với đại diện từ UBND huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Trung tâm Y tế huyện.
Mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến đáng kể trong vòng 20 năm qua trong lĩnh vực y tế, sự chênh lệch trong việc tiếp cận kiến thức và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt giữa các đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng miền khác vẫn còn tồn tại.
Cụ thể, tại các khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh cao gấp 3 lần mức bình quân cả nước (theo thống kê của UNICEF tại Việt Nam). Cụ thể, tại địa phương, theo khảo sát đầu kỳ được thực hiện bởi Tổ chức Cứu trợ trẻ em vào tháng 11/2021 vừa qua, 20.8% phụ nữ mang thai ở cộng đồng dân tộc thiểu số tại Ea Súp chưa có kiến thức đầy đủ về Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, và con số này tại M'Drắk là 39%. Vẫn còn 26.5% bà mẹ tại Ea Súp và 42.5% bà mẹ tại M'Drắk khám thai dưới 3 lần hoặc thậm chí không đi khám thai.
Điều này, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như biến chứng cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh trước, trong và sau khi chuyển dạ. Lí do không chỉ nằm ở việc thiếu nguồn lực - kĩ năng, thiết bị y tế và cơ sở vật chất còn hạn chế, đường xá đi lại khó khăn mà cốt lõi còn đến từ vấn đề thiếu nhận thức của chính người dân.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Vương Đình Giáp – Giám đốc Thực hiện chương trình, đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nhấn mạnh “Đây không phải là lần đầu tiên Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thể hiện những cam kết của mình trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Chúng tôi tin rằng, mọi trẻ em cần có được sự khởi đầu tốt nhất cho cuộc sống”.
Tại hội thảo, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã chia sẻ tổng quan định hướng và kế hoạch hoạt động dự án tại địa phương. Theo đó, dự án tập trung vào 5 hoạt động chính:
Nâng cao năng lực của cán bộ y tế Khoa Sản – Khoa Nhi ở trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã và cán bộ y tế thôn bản thông qua các buổi huấn luyện đào tạo chuyên môn, giám sát hỗ trợ, cầm tay chỉ việc. Các nội dung hướng dẫn liên quan đến điều trị lâm sàng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, phương pháp chăm sóc Kangaroo cho trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân.
Hỗ trợ các trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất của các đơn vị thụ hưởng dự án trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là các đơn nguyên sơ sinh của Trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện.
Xây dựng bộ tài liệu truyền thông dưới nhiều hình thức đa dạng (cẩm nang, tờ rơi, video,…) và tổ chức các hoạt động tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân địa phương về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêu biểu như khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế hoặc được người đỡ đẻ có chuyên môn hỗ trợ,…
Thành lập nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng, tổ chức tập huấn và cung cấp các trang thiết bị cơ bản để nhóm đi vào hoạt động.
Tổ chức các buổi hội thảo nhằm chia sẻ và nhân rộng các can thiệp hiệu quả của dự án đến các xã/huyện/tỉnh có cùng điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng.
Đặc biệt, các hoạt động can thiệp được phát triển và xây dựng dựa trên sự tôn trọng nhu cầu thực tế của từng địa phương. Đồng thời, các hoạt động cũng điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hóa xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số để đảm bảo tính tiếp cận và hiệu quả của việc cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở cộng đồng này. Mục tiêu sau cùng là giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh non tháng, cũng như giảm tỉ lệ các ca bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên.
Ý kiến của bạn