Người mua nhà đất cần phải làm gì trước khi xuống tiền

Mua đất là chuyện lớn đối với nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người lần đầu mua đất không biết nên tìm hiểu khu đất muốn mua như thế nào. Đất có bị vướng quy hoạch, tranh chấp hay không…? Chính vì vậy, nếu không hiểu rõ rất dễ bị mất tiền và gặp rắc rồi.
Qua đó, người mua nhà đất cần thực hiện các bước sau đây để kiểm tra các thông tin trước khi xuống tiền để tránh cảnh tranh chấp, kiện tụng về sau.
Bước 1: Kiểm tra thông tin trên Chủ quyền: Tọa độ vị trí và phần đất bị qui hoạch mất
Thường chúng ta chỉ hay quan tâm tổng diện tích thể hiện trên chủ quyền, mà không chú ý phần diện tích sẽ bị quy hoạch mất.
Nếu là chủ quyền mấy năm gần đây sẽ có tọa độ vị trí. Nếu là chủ quyền cũ sẽ không có phần này, khi đó cần có bản vẽ hiện trạng vị trí kèm theo để thể hiện tọa độ vị trí.
Nếu người bán gửi bạn chủ quyền cũ nhưng không gửi kèm bản vẽ hiện trạng vị trí, hãy đặt ngay nghi vấn và yêu cầu chủ nhà gửi phần này.
Tuy nhiên cũng nhiều chủ quyền cũ không thể hiện phần này, nếu chỉ nhìn vào diện tích trên sổ sẽ không phát hiện được.
Bước 2: Kiểm tra thông tin quy hoạch trực tuyến
Dùng tọa độ vị trí của nhà/đất để ra thông tin quy hoạch. Một số khu vực vẫn có thể tra ra bằng số tờ, số thửa trên chủ quyền, nhưng sẽ không cập nhật mới nhất bằng tọa độ.
Lưu ý, thông tin này chỉ yên tâm được 90% thôi nhé. Vì quy hoạch thực tế có thể không giống trên bản đồ này do thời điểm cập nhật của bản đồ đã cũ. Hiện TP.HCM và Hà Nội đã có công cụ này.

Bước 3: Hỏi trực tiếp phòng Quản lý Đô thị quận/huyện
Tùy địa phương, mỗi tuần sẽ có vài ngày có chuyên viên trực giải đáp vấn đề này. Tuy nhiên, vì số lượng người hỏi rất đông nên khâu này trên quận/huyện hay bị quá tải, bạn sẽ phải chờ hơi lâu và có thể bỏ lỡ cơ hội mua do chậm chân hơn người khác.
Vậy chọn lựa: “Chậm mà chắc nhưng có thể không mua được” hay “Nhanh để chắc mua được nhưng có thể bị lầm” là quyết định của bạn.
Bước 4: Xin văn bản trả lời về chứng chỉ quy hoạch trên quận/huyện
Bước này tương tự như bước 3, nhưng khác ở chỗ không hỏi miệng nữa mà đề nghị UBND quận/huyện trả lời bằng văn bản Chứng chỉ quy hoạch.
Văn bản này sẽ cung cấp toàn bộ thông tin về bất động sản và đảm bảo cho bạn 100% an toàn, nhưng có nhược điểm sẽ phải chờ 2-3 tuần (có thể bỏ lỡ cơ hội mua) và cần chủ nhà/đất hợp tác mới hỏi được (vì phải chính chủ đứng tên chủ quyền làm đơn hỏi mới được).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý Chứng chỉ quy hoạch này chỉ có giá trị tại thời điểm trả lời, sau đó nếu quy hoạch thay đổi bạn vẫn bị dính chưởng. Do đó, nếu muốn mua thì người dân cần phải thường xuyên kiểm tra quy hoạch cho thật kỹ nhé.

Bước 5: Giải pháp hạn chế vuột mất cơ hội mua nhà/đất trong thời gian kiểm tra
Việc thực hiện các bước 3, 4 ở trên sẽ mất thời gian 1-3 tuần, bạn sẽ có nguy cơ vuột mất cơ hội nếu BĐS nó thật sự tốt. Vậy để vừa đảm bảo an toàn cho tiền của mình, vừa hạn chế vuột mất cơ hội tốt, chúng ta có thể cân nhắc làm như sau: Kiểm tra nhanh bước 1, 2 hoặc đặt cọc cho người bán.
Việc đặt cọc ràng buộc thêm điều khoản: Cùng lên Phòng Quản lý Đô thị kiểm tra thông tin, hoặc nếu tốt hơn đề nghị người bán hợp tác xin Chứng chỉ quy hoạch.
Nếu kết quả BĐS thực tế không giống như giao kèo thì người bán phải trả hoặc đền cọc. Nếu BĐS đó thật sự tốt, không có khuất tất gì và người bán thật sự thiện chí muốn bán thì họ sẽ vui vẻ hợp tác.
Tóm lại, trong một xã hội phát triển – văn minh, người bán nên kiếm tiền bằng trí tuệ và tài năng, không nên kiếm tiền bằng cách lừa dối trước sự thiếu hiểu biết của người mua. Bên cạnh đó, người mua cần tỉnh táo và hãy tự biết bảo vệ mình trước bằng cách trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng…trước khi xuống tiền mua nhà hoặc bất cứ thứ gì.
Ý kiến của bạn