Doanh nghiệp địa ốc chờ ‘bung’ hàng

Theo các chuyên gia bất động sản, trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản phía Nam vẫn phát triển cơ bản ổn định, nguồn cung mới tung ra thị trường ở một số phân khúc tăng mạnh. Dù vậy, trong những tháng còn lại, các doanh nghiệp địa ốc vẫn đang kỳ vọng dịch COVID-19 được kiểm soát để “bung” hàng.
Thị trường cơ bản ổn định
Trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản phía Nam đã trải qua không ít biến động, khi liên tục đón những cơn "sốt đất", cùng với đó là phải ứng phó với 2 đợt dịch COVID-19 liên tiếp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản.
Dù vậy, các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản vẫn đánh giá thị trường bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2021 cơ bản ổn định hơn so với cùng kỳ năm 2020, nhờ đã có những kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, theo đó, các sản phẩm ở các phân khúc bất động sản tung ra thị trường tăng mạnh như phân khúc căn hộ, nhà phố,… và đặc biệt là sự phục hồi trở lại của phân khúc nghỉ dưỡng.
Theo số liệu thống kê của DKRA Việt Nam về nguồn cung và lượng tiêu thụ tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong 5 tháng qua cho thấy, đối với phân khúc đất nền, ghi nhận có khoảng 23 dự án mở bán với khoảng 3.761 nền, bằng 66% cùng kỳ 2020 (5.684). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 2.836 nền. Riêng đối với thị trường TP.HCM không ghi nhận nguồn cung mới.
Đối với phân khúc nhà phố biệt thự có khoảng 4.895 căn được mở bán, tăng 84% so với cùng kỳ 2020, trong đó, TP.HCM có khoảng 523 căn, còn lại ở các tỉnh giáp ranh. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 2.183 căn tương đương 45% nguồn cung mới toàn thị trường.
Ở phân khúc căn hộ ghi nhận có khoảng 21 dự án mới mở bán cung cấp ra thị trường 9.509 căn, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2020 (4,817 căn) lượng tiêu thụ đạt khoảng 7,651 căn. Riêng thị trường TP.HCM ghi nhận có khoảng 5.611 căn, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 4.374 căn.
Đặc biệt, với phân khúc nghỉ dưỡng trong những tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận được những tín hiệu phục hồi tích cực về nguồn cung và lượng tiêu thụ, khi có khoảng 3736 sản phẩm bao gồm biệt thự biển, nhà phố/shophouse và condotel đưa ra thị trường và tỷ lệ tiêu thụ chung khoảng 40% - 50% (riêng biệt thự biển khoảng 25%). Dù vậy, dịch bệnh tái bùng phát lần 4, sẽ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến đà hồi phục của phân khúc này trong thời gian tới.
Đánh giá về thị trường bất động sản phía Nam nói chung và thị trường TP.HCM nói riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D - DKRA Việt Nam cho biết, khi bước vào năm 2021, nhiều người, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất sản rất mong chờ sự phục hồi của nền kinh tế cũng như sự phục hồi của thị trường bất động sản sau 1 năm 2020 đầy biến động và khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID–19.
Giám đốc bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận đã trải qua gần nửa năm 2021 với phần lớn thời gian căng mình phòng chống dịch qua 2 đợt, trong đó đợt 1 vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 kéo dài hết đợt nghỉ Tết Nguyên Đán, đợt 2 bùng phát mạnh từ giữa tháng 5 đến nay và nếu như trước kia cuối tháng 4 nhiều dự án dự định mở bán/ra hàng trong tháng 5 – 6, đây là thời điểm mà sức mua hàng năm rất cao nên nhiều chủ đầu tư rất kỳ vọng.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn đã làm đảo lộn kế hoạch về tổ chức bán hàng, ra sản phẩm mới,… ảnh hưởng đến hiệu quả bán hàng, cũng như kỳ vọng của chủ đầu tư là thị trường sẽ phục hồi trong nửa đầu năm 2021.
"Thực chất, thị trường bất động sản chỉ hoạt động tích cực trong khoảng tháng 3, tháng 4 và đến nửa đầu tháng 5. Chính vì, vậy mà nguồn cung và lượng tiêu thụ các phân khúc bất động sản trong 5 tháng qua đã sụt giảm mạnh so với nửa cuối 2020, những kỳ vọng của chủ đầu tư cũng theo đó bị đổ vỡ", ông Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ phận R&D – DKRA Việt Nam thông tin, trong nửa đầu năm 2021, dù có đợt dịch bùng phát lần thứ 3 ngay trước Tết nhưng vẫn có những cơn "sốt đất ảo" diễn ra ở nhiều địa phương cũng như khu vực phía Nam ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, và các cơn "sốt đất ảo" này chủ yếu do những thông tin ko chính thức lan truyền và do một số cá nhân tổ chức tạo sóng để lợi dụng, điển hình như sự việc thông tin về sân bay Hớn Quản (Bình Phước). Nhưng, sau đó những cơn "sốt đất" cũng nhanh chóng xẹp xuống và trở lại bình thường.
"Ngoài ra, bất chấp tình tình hình dịch bệnh tái bùng phát, trong đầu tháng 5/2021, thị trường bất động sản xuất hiện thông tin dự án căn hộ siêu sang với những mức giá kỷ lục mới, lên đến 360 triệu đồng/m2. Có nhiều lý do để giải thích cho việc dự án này đạt kỷ lục giá mới như vị trí, chất lượng và đặc biệt là thương hiệu quản lý hạng sang. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa có tín hiệu tích cực cho loại hình căn hộ vừa túi tiền trở lại mặc dù mức độ quan tâm rất lớn và đang là áp lực cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng", ông Nguyễn Hoàng cho biết.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với Nhadautu.vn , ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông cho rằng, trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản phía Nam đã có những chuyển biến mới và cơ bản phát triển ổn định, tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 quay trở lại trong thời gian gần đầy là một trong những ảnh hưởng lớn, làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh của các chủ đầu tư, cùng với đó là tâm lý của khách hàng trong việc lựa các sản phẩm cũng sẽ thận trọng hơn.
"Lượng giao dịch tại các dự án trên thị trường vẫn tương đối ổn định. Với việc ứng phó đại dịch COVID-19 từng xảy ra trước đó, các chủ đầu tư đã có kinh nghiệm và chắc chắc sẽ lên kế hoạch,kịch bản cho mình, tuy nhiên, việc điều chỉnh lại kế hoạch, ít/nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các chủ đầu tư", ông Phúc chia sẻ.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Phú Đông Group cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, tình trạng "sốt đất" xảy ra tại một số tỉnh/thành ở khu vực phía Nam đã làm thị trường có sự xáo trộn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư, phát triển quỹ đất của các chủ đầu tư, bởi những cơn "sốt đất" đã làm giá đất tăng không phù hợp với thực tế, đi cùng với đó là những rủi ro của người mua, sau khi cơn sốt nguội lạnh."Dù vậy, đây cũng là nhu cầu đầu tư chính đáng, nếu người mua có tiền thì họ có thể đầu tư, nhưng cần phải thận trọng trong những bước đi của mình", Tổng giám đốc Phú Đông Group nhận định.
Ý kiến của bạn