Ngay cả trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước không có hành động mới thì cũng đã là tất cả với thị trường.
Đầu tuần này Ngân hàng Nhà nước họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2021. Số liệu cho thấy, đến ngày 15/6 tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 5,1% so với cuối năm 2020, cải thiện mạnh so với mức 2,26% cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại hai tháng qua tại nhiều địa phương, đặc biệt tại hai địa bàn kinh tế trọng điểm Hà Nội và TP.HCM, nhưng số liệu trên cho thấy nguồn tín dụng vẫn tăng trưởng khá cao. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét nới chỉ tiêu tăng thêm giới hạn cho vay tại một số ngân hàng thương mại.
Và như BizLIVE đề cập vừa qua, dữ liệu tập hợp từ một số đầu mối nghiên cứu thị trường cho thấy, bước sang tháng 7, cụ thể từ ngày 21/7, nguồn tiền lớn từ kênh cung ứng mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đáo hạn và chảy ra thị trường; riêng trong tháng 7 ước tính có khoảng 82 nghìn tỷ đồng.
13 NĂM MỀM HÓA MỘT CÔNG CỤ
Đó là nguồn tiền lớn đầu tiên dự kiến bổ sung cho thị trường kể từ đầu năm 2021, ngoại trừ một quãng ngắn Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hỗ trợ hệ thống mùa cao điểm thanh toán chi trả dịp Tết Nguyên đán và đáo hạn nhanh sau đó.
Trong điều kiện bình thường trước đây, khi không có ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 đối với nền kinh tế, nhà điều hành sẽ có hành động đối ứng với nguồn tiền mới trên: phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, trung hòa bớt tác động của dòng chảy lớn. Và trong điều kiện bình thường đó, hành động này trở nên rất bình thường với thị trường.
Nhưng, 13 năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã phải rất quyết liệt, hệ thống đã từng xáo động với hành động tương tự như vậy.
Một năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn ngoại vào mạnh và Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ. Không lâu sau, áp lực lạm phát thể hiện, nhà điều hành chính sách tiền tệ lên kế hoạch hút bớt tiền về. Ngày 17/3/2008 lịch sử hệ thống ngân hàng Việt Nam đánh dấu lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu bắt buộc quy mô lớn (lớn so với tại thời điểm đó).
Cụ thể, quy mô tín phiếu phát hành 20.300 tỷ đồng, với 41 tổ chức tín dụng thuộc đối tượng bắt buộc phải mua. Và để hạn chế “sốc”, cũng như để hệ thống chuẩn bị nguồn tiền đáp ứng, Ngân hàng Nhà nước khi đó đã phải thông báo trước cả tháng rồi mới triển khai.
Trải qua 13 năm từ sự kiện đó, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước đã hoàn toàn làm chủ, chủ động mềm hóa công cụ tín phiếu để linh hoạt trong điều tiết nguồn. Cân đối của hệ thống cũng thích nghi êm đềm cho những đợt hút tiền lớn. Điển hình như tháng 4/2020, cao điểm từng ghi nhận nhà điều hành hút bớt tới khoảng 147.000 tỷ đồng về qua công cụ tín phiếu. Đó là khi Covid-19 chưa tạo tác động sâu rộng.
Cũng chính Covid-19 đã ảnh hưởng đến các hành động của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 4/2020 đến nay, cũng như có thể liên quan đến tín hiệu tiếp theo trong ứng xử với nguồn tiền lớn ước tính khoảng 82 nghìn tỷ đồng chảy ra thị trường từ tháng 7 tới.
Ở hai kênh bơm - hút tiền cho thấy từ tháng 4/2020 đến nay, ngoại trừ vài thời điểm hỗ trợ, hầu như Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện để hệ thống hoàn toàn tự dưỡng thanh khoản và cân đối nguồn
TIẾP TỤC TẠO CÂN ĐỐI VỐN DỒI DÀO?
Như trên, tháng 4/2020, cả nước bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên để chống Covid-19. Tác động của đại dịch khi đó còn khá mới mẻ, nhưng một loạt quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng phản ứng bằng hướng nới lỏng tài khóa và tiền tệ.
Một số tổ chức quốc tế khi đó cũng khuyến nghị Việt Nam cần chú ý yếu tố đầu tiên đối với hệ thống ngân hàng là thanh khoản, khi dòng tiền cũng bị “giãn cách” do hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh gián đoạn, đứt gãy… Và thực tế Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng đảo chiều điều tiết.
Cụ thể, dữ liệu BizLIVE tập hợp ghi nhận trước khi Covid-19 thể hiện tác động lớn, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng lớn ngoại tệ, và ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái nghiệp vụ phát hành tín phiếu hút bớt tiền về được đẩy nhanh.
Trong suốt tháng 2 và 3/2020, Ngân hàng Nhà nước dồn dập phát hành tín phiếu với quy mô khá đều gần 5.000 tỷ đồng hút về mỗi ngày. Đặc biệt, kỳ hạn tín phiếu khi đó áp dụng tới 91 ngày - loại kỳ hạn rất dài đối với tín phiếu và ít được áp dụng trước đó. Việc hút bớt tiền về liên tục này tạo nên số dư khoảng 147.000 tỷ đồng nói trên.
Nhưng, ngay sau đó, khi Covid-19 ảnh hưởng lớn, cả nước bước vào giãn cách xã hội từ 1/4/2020, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng chuyển sang bơm ròng hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước biến cố. Liên tục các phiên nhà điều hành bơm ra 8.500 - 9.500 tỷ đồng mỗi phiên qua thị trường mở (OMO). Với hỗ trợ này, từ 13/4/2020 toàn hệ thống đã tự cân đối được trạng thái trước tác động bất thường Covid-19.
Từ đó đến nay hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn toàn tự dưỡng thanh khoản và cân đối nguồn; Ngân hàng Nhà nước gần như không phải can thiệp trong cân đối, thậm chí có “nhã ý” nới lỏng, tạo điều kiện nguồn vốn dồi dào trong hệ thống để bình ổn lãi suất… Tất nhiên, một số thời điểm mang tính mùa vụ như dịp Tết Nguyên đán cơ quan này có bơm ròng một đoạn ngắn để hỗ trợ và đáo hạn nhanh, hoặc như hơn một tuần trước xuất hiện một giao dịch bơm ra gần như không đáng kể chỉ với 1,08 tỷ đồng cá biệt.
Cũng từ đó đến nay, từ tháng 4/2020 Ngân hàng Nhà nước đã không phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về. Thậm chí, trên thị trường mở, hàng ngày nhà điều hành vẫn đều đặn chào sẵn sàng tiếp thêm vốn cho hệ thống, với quy mô 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,5%/năm dù không phát sinh giao dịch.
Từ tuần tới, với dự kiến ước tính nguồn khoảng 82 nghìn tỷ đồng bắt đầu chảy ra nói trên, thị trường chờ tín hiệu mới của Ngân hàng Nhà nước.
Liệu hoạt động phát hành tín phiếu hút tiền về có nối lại hay không, khi mà gần đây đã có tâm lý quan ngại lạm phát và áp lực lớn dần, hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa họp với hướng xem xét thu hẹp nới lỏng, dĩ nhiên Việt Nam có những đặc điểm và điều kiện thực tế riêng?
Hay trước diễn biến Covid-19 vẫn phức tạp, nền kinh tế đang cần sự tiếp sức từ chính sách tín dụng và chi phí lãi suất thấp, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nửa cuối năm…, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tạo điều kiện nguồn tiền lớn đó ra thị trường, để nguồn vốn dồi dào hơn mà chưa phát hành tín phiếu hút bớt về?
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước chưa có hành động mới, chưa nối lại phát hành tín phiếu, gián tiếp tạo điều kiện nói trên, đó cũng là tất cả với thị trường.
Tuy nhiên, như trên, sau 13 năm mềm hóa công cụ điều tiết này, nhà điều hành đã hoàn toàn chủ động để linh hoạt “bơm - hút” nguồn tại mỗi thời điểm cần thiết mà hệ thống ngân hàng thích nghi bình thường, không có xáo trộn. Điểm còn lại là nếu có hành động mới, lãi suất tín phiếu sẽ được chú ý, vì nếu có thì đó sẽ là một “mức sàn lãi suất” mà các ngân hàng thương mại nhìn vào.
Ý kiến của bạn